KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY CAM

1./ Đất trồng:

Cam là một trong những loại cây trồng không kén đất, trồng trên các loại đất khác nhau đều được. Loại đất phù hợp nhất để trồng cây là đất thịt, độ pH của đất từ 5 – 6.5. Đối với những vùng đất trũng cần đắp mô và đào mương để thuận tiện cho việc tưới và thoát nước dễ dàng.

2./ Ánh sáng và nhiệt độ:

Nhiệt độ thích hợp là 18 – 35 độ C. Ánh sáng là một trong những điều kiện quan trọng nhất đối với cây cam. Nó quyết định chất lượng quả cam ngọt, giòn và thơm.

3./ Chọn giống Cam:

Chọn cây giống có chiều cao trên 30cm khỏe mạnh, lá xanh, cứng cáp, không có sâu bệnh hại. Cây giống có 2 loại chính: loại chiết cành và loại ghép (không dùng hạt làm giống). Đối với giống chiết cành có ưu điểm là cây mau ra quả nhưng tuổi thọ của cây kém, bộ rễ không khỏe. Đối với cây ghép có ưu điểm là bộ rễ khỏe hơn, cây sẽ khỏe hơn, cứng cáp hơn, tuổi thọ lâu hơn.

I. KỸ THUẬT TRỒNG

1./ Thời vụ trồng cây:

Thời vụ trồng ở các tỉnh phía Bắc thích hợp nhất là mùa xuân từ tháng 2 đến tháng 4 và mùa thu là từ tháng 9 đến tháng 10 nhưng tốt nhất là trồng vào vụ xuân có độ ẩm không khí cao và có mưa xuân nên tỷ lệ cây sống cao.

Ở các tỉnh phía Nam thường trồng vào đầu và cuối mùa mưa.

2./ Làm đất:

Trước khi trồng cần dọn sạch cỏ, cày bừa kĩ làm tơi xốp đất và giúp giữ ẩm tốt. Mật độ trồng cây cam thích hợp đối với cây ghép trồng trên gốc được gieo hạt là 500 cây/ha. Khoảng cách trồng cây là 4m x 5m. Đối với loại cam chiết ghép mật độ trồng cây phù hợp là 1000 cây/ha, và khoảng cách trồng là 3m x 3m.

3./ Trồng cây:

Trước khi cày bừa đất cần rắc vôi (đối với những vùng đất chua). Sau đó làm mô trồng cây bằng cách sử dụng đất ao phơi khô. Mỗi mô có kích thước rộng 55cm x 30cm. Giữa mô có bón thêm 100g phân lân + 8kg phân chuồng ủ mục giúp cây nhanh phát triển bộ rễ. Vét một hố nhỏ giữa mô -> đặt bầu cây đã xé túi bầu vào hố (tránh trồng cây giống tiếp xúc với phân) -> lấp đất và nén chặt đất, tiếp sau đó tủ rơm hoặc trấu đã ải xung quanh gốc cây. Khi phủ rơm không được phủ kín gốc cây. Cắm cọc cho cây giúp cây đứng vững không bị đổ khi gặp mưa bão, sau đó tưới nước cho cây.
Lưu ý: Nên trồng cam vào khoảng 18 giờ mỗi ngày. Vì lúc này trời mát có lợi cho sự phát triển của cây.

II. KỸ THUẬT CHĂM SÓC

1./ Tưới nước:

– Cần tưới nước thường xuyên để cây sinh trưởng và phát triển tốt. Đối với các tỉnh miền núi thời tiết thường khô hạn, cần tưới nước cho cây để đảm bảo đủ độ ẩm trong đất. Có thể áp dụng phương pháp tưới thẩm thấu hoặc tưới phun mưa.

2./ Tỉa cành, tỉa hoa:

– Khi cây ra nhiều cành cần phải cắt bớt các cành nhỏ, cành mọc sâu trong tán và những cành bị sâu bệnh hại nhằm tạo tán cho cây giúp cây thông thoáng, cây sẽ phát triển nhanh và bớt sâu bệnh hại. Việc tỉa cành cần phải làm sau mỗi vụ thu hoạch quả.

– Vào thời kì cam ra nụ, quả non cần phải loại bỏ bớt những hoa bị dị dạng, hoa ra muộn, hoa và quả mọc ở vị trí không thích hợp, chỉ để lại những quả trên cành đối xứng nhau bởi cam là loại cây trồng ra rất nhiều hoa mỗi vụ mà tỷ lệ đậu quả thường không cao. Nếu trồng cam với diện tích rộng không thể thực hiện bằng tay thì có thể phun các chất điều hòa sinh trưởng.

– Cắt tỉa những lá già và yếu: Cần chú ý tỉa cành, tỉa lá cho cây, cắt tỉa lá già, lá yếu và các lá bị bệnh nhằm mục đích làm cho sâu bệnh hại cây không có chỗ sinh sôi nảy nở và không tốn thêm chất dinh dưỡng nuôi các lá bị sâu bệnh, các lá già yếu sắp hỏng. Cần thực hiện cắt bỏ những cành sum xuê xung quanh gốc, những cành cây khô già và cành nhỏ, yếu để tạo độ thông thoáng giúp cây nhận được ánh sáng, lượng chất dinh dưỡng tối đa để đạt được năng suất tốt nhất.

3./ Làm cỏ:

– Cần được thực hiện thường xuyên trong quá trình trồng và chăm sóc. Làm cỏ là từ gốc cho đến tán cây (khoảng 1 – 1,2 m) phải làm sạch cỏ trước khi bón phân. Cỏ mọc phía ngoài tán cây, nhà vườn có thể giữ nguyên nhưng nếu nó mọc quá tốt thì nên dùng liềm hay máy cắt cỏ cắt ngang để cỏ thấp xuống, để chúng không cạnh tranh dinh dưỡng với cây cam mà vẫn giúp giữ ẩm cho đất. Tuyệt đối không được dùng thuốc diệt cỏ vì giai đoạn cây đang tiếp tục phát triển bộ rễ tơ, sẽ làm bộ rễ tơ của cây cam bị thối hỏng, nên khi chúng ta bón phân vào cây sẽ không hấp thụ được các chất dinh dưỡng.

– Sau khi làm sạch cỏ thì nên giữ lại lượng cỏ ở phía ngoài tán để nó đóng vai trò giống như một lượng phân hữu cơ tự nhiên cho cây. Ngoài ra, có thể bổ sung thêm các loại bã thực vật khác như rơm rạ khô, cây lạc, cây đậu… tủ xung quanh tán cây, cách gốc cây từ 0,7 – 1 m, tuyệt đối không tủ sát gốc cây vì sẽ tạo môi trường cho sâu bệnh hại phát sinh và gây hại.

4./ Bón phân:

– Cần cung cấp chất dinh dưỡng cho cây bằng cách bón phân suốt thời kì trồng cây. Nhất là khi cây đậu hoa và quả. Lượng phân bón tùy thuộc vào giống, khí hậu, đất trồng để bón sao cho phù hợp.

– Trước khi bón phân thì nhà vườn nên đào đất xung quanh ngoài mép tán cây tạo thành vành khuyên sâu khoảng 15 – 20cm, rộng khoảng 30 – 40 cm. Mục đích là để làm đứt bộ rễ tơ cũ, đồng thời kích thích cây ra bộ rễ tơ mới, giúp cây hút chất dinh dưỡng tốt hơn, mạnh hơn. Khi đã cuốc tạo vành khuyên xong thì phơi đất khảng 3 ngày nếu trời nắng, nếu không thì có thể phơi từ 7 – 10 ngày.

– Khi xiết nước, mực nước trong mương sẽ ở mức thấp nhưng lưu ý phải trên tầng phèn tiềm tàng. Thời gian tạo khô hạn từ 7 – 20 ngày tùy vào độ ẩm của đất và tình trạng thiếu nước của bộ lá mà quyết định tưới trở lại.

– Khi thấy cây có triệu chứng xào lá (thiếu nước) thì bắt đầu tưới nước trở lại. Tưới mỗi ngày 2 – 3 lần và tưới liên tục 3 ngày. Đến ngày thứ 4, tưới nước mỗi ngày 1 lần. Sau 7 – 15 ngày kể từ ngày tưới lần đầu tiên cây sẽ ra hoa. Thời gian này ngày tưới ngày nghỉ.

*Thời kỳ kiến thiết cơ bản (năm 1 đến năm 3):

– Năm thứ nhất: Bón 1 lần sau trồng 1 – 1,5 tháng lượng phân Đạm: 0,2 – 03kg; lượng phân Kali: 0,2 – 0,3 kg.

– Năm thứ 2, thứ 3: Bón phân chuồng hoai mục: 25 – 30 kg kết hợp với vôi: 1 – 1,5  kg; lượng phân Lân: 1,5 – 2kg; lượng phân đạm: 0,5 – 0,7kg ; lượng phân Kali: 0,5 – 0,7 kg. Tổng lượng phân bón này chia làm 4 lần bón trong năm:
+ Lần 1: Sau khi trồng 2 đến 3 tháng, khi trời ấm và đất đủ ẩm, bón phân bón có hàm lượng đạm cao như: 33 – 11 – 11 + TE giúp cho cây nhú đọt nhanh, lá xanh mướt, bên cạnh đó còn hạn chế tình trạng cháy lá, xoăn lá, vàng lá và chết ngọn.

+ Lần 2: Sau khi trồng được 5 tháng cần bón cân đối giữa các thành phần dinh dưỡng đặc biệt là Đạm và Lân như 20-20-15+TE giúp cành, rễ, lá phát triển tốt.

+ Lần 3: Cây trồng được 7 đến 8 tháng cần bón phân bón có chứa hàm lượng Kali cao giúp cho cây cứng cáp, chống chịu được với điều kiện thời tiết bất lợi.

+ Lần 4: Sau khi trồng được 11 tháng bón toàn bộ vôi để vệ sinh vườn, 15 – 20 ngày sau bón toàn bộ phân chuồng, giai đoạn này cần cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng đặc biệt là đạm và lân cao giúp cho cây phát triển thuận lợi hơn, hạn chế tình trạng cây bị còi cọc, kém phát triển.

Thời kỳ kinh doanh (năm thứ 4 trở đi):

Lần bón phân kế tiếp giúp cây phân hoá mầm hoa khoảng 15 – 20 ngày trước khi xiết nước, nên bón cho cây sản phẩm có chứa hàm lượng lân và kali cao, giúp phân hoá mầm hoa một cách dễ dàng.

+ Lần 1: Bón đón hoa (cây sắp ra hoa) có thể sử dụng phân kích mầm hoa 10 – 60 -10 + TE giúp tăng tỷ lệ thụ phấn, bên cạnh đó còn tăng tỷ lệ đậu trái. Ngoài ra có thể sử dụng sản phẩm có hàm lượng lân cao như: sản phẩm Kích Vọt Hoa, Ra Hoa CCM giúp kích thích quá trình ra hoa vượt trội, giúp mầm hoa phát triển tối ưu, giúp cho hoa mập, không gây ra hiện tượng cháy lá.

+ Lần 2: Bón thúc quả và chống rụng quả, có thể bổ sung thêm phân bón lá giàu vi lượng (Canxi, Bo, Magie,…) như sản phẩm: Canxi Bo, Bo USA để giúp tăng khả năng nuôi quả, dưỡng quả và hạn chế quả rụng, bên cạnh đó còn hạn chế nứt trái, thối đích trái, chống khô bông, giúp tăng tỷ lệ đậu quả.

+ Lần 3: Bón thúc cành và tăng trọng lượng quả (hoặc trước khi thu hoạch khoảng 1 – 1,5 tháng) Bà con có thể tham khảo sản phẩm có chứa Amino acid như Amino 80 hoặc các dòng FUTA – XANH giúp cho trái to, chống tình trạng sượng trái, cho năng suất cao. Sau khi phun phân bón trên có thể kết hợp phân bón lá có hàm lượng kali cao như sản phẩm: 7 – 5 – 44 + TE giúp cây hạn chế tình trạng rụng trái, lên màu đẹp đúng với giống, giúp tăng độ ngọt cho quả.

+ Lần 4: Bón sau thu hoạch, bón toàn bộ vôi để vệ sinh vườn, sau 15 – 20 ngày bón phân hữu cơ có chứa gốc Humate giúp kích thích rễ phát triển nhanh, cây phát triển khoẻ mạnh, bung đọt mạnh, giúp cây phục hồi sau thu hoạch nhanh. Đồng thời nên bổ sung kali vào giai đoạn sau thu hoạch để cây khoẻ mạnh khắc phục tình trạng suy kiệt trong giai đoạn nuôi trái.

III./ SÂU BỆNH HẠI VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ

1./ Sâu hại chính trên cây cam

a.) Sâu bùa vẽ (Phyllocnistis citrella):

Triệu chứng gây hại: Làm ảnh hưởng đến chồi non và lá non của cây, đến giai đoạn cây ra hoa, quả. Đục phá lá ở dưới phần biểu bì, ăn phần mô mềm. Sâu di chuyển tới đâu thì biểu bì phồng lên tới đó, vẽ thành những đường ngoằn ngoèo nên được gọi là vẽ bùa, các lằn đục của sâu không bao giờ gặp nhau. Các lá bị sâu vẽ bùa gây hại thường bị co rúm lại và biến dạng nhất là những lá non, làm giảm quang hợp và khả năng sinh trưởng của các chồi non. Ngoài ra các đường đục của sâu vẽ bùa còn tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây bệnh loét, làm lá bị rụng.

Biện pháp phòng trừ:

+ Chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt, tỉa cành, tạo tán, bón thúc cho đọt non ra tập trung, hạn chế sự phá hại của sâu. Thu dọn lá rụng trong vườn đốt bỏ cũng hạn chế nguồn sâu. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật từ thảo mộc hoặc thuốc sinh học chứa nấm Beauveria sp., Metarhizium sp. để phòng trừ.

+ Nếu bị nặng có thể sử dụng các loại thuốc có hoạt chất Abamectin hoặc Emamectin,… phun vào các đợt ra chồi non 2 lần (lần 1 phun khi mới nhú đọt, lần 2 phun khi cây ra đọt ra rộ, cách nhau khoảng 7 ngày)

b) Ruồi đục trái (Bactrocera Dorsalis):

Triệu chứng gây hại: Ruồi dùng ống đẻ trứng chích sâu vào trong thịt quả, đẻ trứng thành từng ổ ở những quả còn nhỏ và những quả đang chín. Sau đó, sâu non nở ra phá hoại phần thịt quả, làm quả bị thối và rụng. Sau 2 – 4 ngày sâu chui vào trong phần múi quả để ăn tép cam cho tới khi đầy sức. Quả cam bị hại sẽ thối và rụng.

Biện pháp phòng trừ: Nhặt hết quả rụng để diệt dòi bên trong trái. Phun thuốc có hoạt chất: Chlorpyrifos methyl, Phoxim, Permethrin, Profenofos,…

2./ Một số bệnh hại chính:

a) Bệnh loét (Xanthomonas campestris pv. citri (Hasse))

Triệu chứng gây hại: Khi bị bệnh, triệu chứng thường thấy nhất là các vết loét trên trái, lá, cành non. Vết bệnh mới hình tròn vàng, có thể chảy gôm, sau đó vết bệnh biến thành nâu đậm và loét ướt, sau cùng trở thành màu nâu đen. Trên trái, vết loét ăn sâu vào trong vỏ quả, xung quanh vết bệnh có quầng vàng. Nhiều vết bệnh có thể liên kết nhau tạo thành các mảng lở loét trên lá và trái.

Biện pháp phòng trừ: Sử dụng phân bón có chứa Canxi Nitrat kết hợp với phân vi lượng để đảm bảo cung cấp đầy đủ canxi cho cây, giúp tăng sức chống chịu, chống nứt trái. Bên cạnh đó cần bón phân cân đối đầy đủ, không được bón dư đạm. Bên cạnh đó có thể sử dụng một số thuốc có hoạt chất như: Kasugamycin, Copper Oxychloride, …

Phân biệt cây bị bệnh vàng lá gân xanh với cây bị thiếu kẽm:

– Cây bị bệnh vàng lá gân xanh thường biểu hiện triệu chứng ở những cây phía ngoài vườn nhiều hơn ở trong; trên một cây có cành nặng, cành nhẹ và có cành không bị bệnh. Diễn biến bệnh tương đối nhanh nên chết rất nhanh từ cành bị nặng đến cành bị nhẹ. Trên quả  thì biểu hiện triệu chứng đầu tiên là quả bị méo mó biến dạng, khi bổ ra sẽ thấy tâm lệch qua một bên và hạt bị thối.

– Cây thiếu kẽm thì biểu hiện triệu chứng đồng loạt trên tất cả các cây hay ở một hướng hoặc một thửa nào đó trong vườn, triệu chứng giống nhau, không có cành bị nặng hay nhẹ. Mức độ diễn biến rất chậm, có thể kéo dài trong nhiều năm sau cây mới chết tuỳ theo điều kiện chăm sóc.

b) Bệnh vàng lá gân xanh (Candidatus Liberibacter asiaticus):

Bệnh lan truyền qua hai con đường:

– Vi khuẩn gây bệnh nằm trong mô của cây mẹ đã mang mầm bệnh nên khi nhân giống bằng các phương pháp chiết, ghép vô tính, gốc ghép, mắt ghép thì cây con sẽ bị bệnh. Mầm bệnh nằm trong mắt ghép hay cành chiết sẽ thể hiện triệu chứng sau 8 – 15 tháng sau khi trồng.

Môi giới truyền bệnh là rầy chổng cánh (Diaphorina citri): Chúng chích hút trên cây bị bệnh, vi khuẩn sẽ được giữ lại trong tuyến nước bọt, khi rầy chích hút cây khỏe sẽ truyền vi khuẩn vào cây.

Biểu hiện triệu chứng:

Trên lá:Biểu hiện đặc trưng của bệnh là phiến lá hẹp, khoảng cách giữa các lá ngắn lại, có màu vàng, nhưng gân chính và gân phụ vẫn còn màu xanh và nhỏ, mọc thẳng đứng như tai thỏ, nên có tên gọi bệnh vàng lá gân xanh.

Trên quả:Quả nhỏ hơn bình thường, quả bị méo mó, khi bổ dọc thì tâm quả bị lệch hẳn sang một bên, quả có quầng đỏ từ dưới đít lên. Hạt trong quả bị bệnh thường bị thối, có màu nâu.

Bộ rễ: Khi cây nhiễm bệnh làm rễ cây bị thối, đa phần rễ tơ bị mất chỉ còn các rễ chính, thậm chí rễ chính cũng thối.

Biện pháp phòng trừ:

Đến nay bệnh này vẫn chưa có thuốc trị mà phòng là chính:

+ Cần trồng cây giống khỏe, sạch bệnh,

+ Không sử dụng vườn cam quýt có cây bị bệnh để nhân giống,

+ Chặt bỏ cây cam quýt đã nhiễm bệnh đem tiêu hủy để giảm lây lan bệnh sang cây không bị bệnh.

+ Trồng cây chắn gió đễ hạn chế rầy chổng cánh xâm nhập vào vườn như: tràm, xoài,..

+ Không trồng các cây là kí chủ của rầy chổng cánh như: quýt, cần thăng, nguyệt quế gần vườn cam quýt.

+ Việc trồng ổi xen với cây có múi có tác dụng xua đuổi rầy chổng cánh, đồng thời tăng thêm thu nhập.

+ Tạo tán, tỉa cành để vườn thông thoáng, tránh giao tán; bón phân cân đối và vừa đủ, không quá nhiều phân đạm để cây ra đọt non tập trung.

+ Thăm vườn thường xuyên để phát hiện rầy chổng cánh cần tiến hành phun thuốc trừ rầy kịp thời; phun thuốc đều khắp cả cây và tập trung vào các đọt non, lá non.

+ Sử dụng một trong số các loại hoạt chất sau để phun trừ rầy chổng cánh ngăn chặn sự truyền bệnh bằng các hoạt chất như: Abamectin, Thiamethoxam, Imidacloprid, Lambda – cyhalothrin, Profenofos, …

c) Bệnh thối gốc, chảy mủ: (Do nấm Phytophthora spp. gây ra).

Triệu chứng bệnh: Phần vỏ thân gần gốc có triệu chứng lúc đầu như bị sủng nước, sau đó khô, nứt bong ra dọc theo thân, vỏ thân bị thối nâu. Bệnh phát triển vòng quanh thân chính và rễ cái, có thể lan đến các cành bên trên. Rễ nhỏ ngắn và thối bong ra, nhất là ở các rễ lông. Lá bị vàng dọc theo gân chính do thiếu dinh dưỡng, sau đó các chồi non và nhánh lớn bị chết. Bệnh cũng làm chảy gôm màu nâu ở thân và cành. Ngoài ra còn làm thối quả, vùng thối hơi tròn có màu nâu tối lan rộng ra khắp quả. Cây bị bệnh nặng sinh trưởng kém, lá vàng và rụng, cành bị khô, cả cây cũng có thể khô chết. Nấm bệnh tồn tại trong đất và lây qua đất hoặc di chuyển do nước mưa. Đất úng nước là điều kiện thích hợp cho bệnh phát triển.

Biện pháp phòng trừ

– Đất trồng phải thoát nước, trồng đúng mật độ khuyến cáo, không tủ cỏ sát gốc vào mùa mưa. Đối với cây bị bệnh, dùng dao cạo bỏ phần vỏ bị bệnh bôi thuốc có hoạt chất Mancozeb và vôi để khử khuẩn. Mỗi năm sau khi thu hoạch quả nên dùng thuốc bảo vệ thực vật hoặc vôi quét vào gốc 1 lần để phòng trừ bệnh chảy gôm và sự xâm nhập một số sâu hại khác.

– Khi cây bị thối rễ, có hiện tượng vàng và rụng lá cần phun thuốc có hoạt chất Copper Zinc, Fosetyl Aluminium,…  trên tán cây, dưới gốc tưới thuốc có hoạt chất Metalaxyl M, Mancozeb thực hiện 2-3 lần thì cây khỏe trở lại. Phương pháp này chỉ có hiệu quả khi cây mới chớm bệnh, nếu khi cây vàng và rụng toàn bộ lá thì đã muộn, cây sẽ chết. Cây bị thối gốc cần đào gốc, thu gom hết rễ, thân, cành đưa xa vườn để tiêu hủy, tránh lây lan

d) Bệnh ghẻ (lồi và lõm)

Bệnh Ghẻ loét (hay còn gọi là bệnh đốm lá vi khuẩn, đốm mắt cua) phá hoại cây ăn quả có múi do vi khuẩn Xanthomonas campestris pv. citri (Hasse) Dye gây ra.

+ Trên lá có những đốm màu nâu đôi khi lá bị thủng lỗ; xung quanh đốm nâu có viền vàng sáng rất rõ. Các vết bệnh liên kết lại làm lá có màu vàng và lá rụng hàng loạt, cành trơ trụi. Trên trái vết bệnh xù xì màu nâu hơn, mép ngoài có gờ nổi lên, ở giữa vết bệnh mô chết rạn nứt. Toàn bộ chiều dày của vỏ quả có thể bị loét, nhưng vết loét không ăn sâu vào ruột quả. Bệnh nặng có thể làm cho quả biến dạng, ít nước, khô sớm, dễ rụng.

Bệnh Ghẻ sẹo (còn gọi là bệnh ghẻ lồi, ghẻ nhám) do nấm Elsinoe fawcettii gây ra.

+ Bệnh thường phát sinh sớm ở các bộ phận còn non: đọt non, lá non, quả non, … trên lá non khi bệnh mới phát sinh vết bệnh có dạng chấm nhỏ liti màu vàng trong, hơi nổi gờ. Trên quả non, vết bệnh nổi gờ sần sùi hình chóp nhọn, màu vàng nâu; sau vết bệnh hóa bần khô lại có màu nâu sẫm đến nâu xám.

Biện pháp phòng trừ:

Cắt bỏ cành lá và quả nhiễm bệnh mang ra khỏi vườn tiêu hủy để hạn chế mầm bệnh lây lan. Kết hợp phun thuốc có hoạt chất gốc đồng để phun sát khuẩn, diệt nấm và tăng đề kháng cho cây giúp ngăn ngừa nấm bệnh. Phun 2 lần, cách nhau 3 – 5 ngày. Sử dụng loại đồng xanh CuSO4 là đồng mát nên phun không hại đọt non. Tác dụng làm khô các vết bệnh cũ và diệt hết nấm khuẩn trong vườn tránh lây lan.

Sử dụng thuốc có hoạt chất Emamectin benzoate để phun phòng trừ sâu vẽ bùa, sâu ăn lá thời điểm cây ra đọt, ra trái non.

Đồng thời cần chăm sóc cây trồng khỏe mạnh, cứng cáp để chống chịu tốt hơn với nấm bệnh. Bổ sung đầy đủ và cân đối dinh dưỡng bao gồm đa, trung, vi lượng, amino acid.

Lưu ý: Trong quá trình chăm sóc cây, nên tăng cường bón phân hữu cơ ủ hoai mục với Trichoderma spp. Bên cạnh đó cần bón phân cân đối hợp lý theo từng giai đoạn để tránh ra đọt liên tục.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *