KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY XOÀI

1/. Điều kiện ngoại cảnh

– Xoài có thể trồng ở vùng khí hậu rộng lớn nhưng phát triển tốt nhất ở những nơi có khí hậu khô mát với khả năng tích luỹ nhiệt cao trong suốt quá trình ra hoa và phát triển quả. Mưa hoặc độ ẩm cao trong suốt quá trình ra hoa và đậu quả làm nấm bệnh phát triển làm rụng hoa, rụng quả.

– Có thể trồng xoài ở những độ cao từ đồng bằng đến 600m. Xoài thích hợp ở những vùng có 2 mùa mưa và khô rõ rệt, trong đó mùa khô ít nhất kéo dài 3 tháng, mùa mưa không kéo dài quá 7 tháng. Nếu mưa nhiều có sương vào lúc trổ bông thì sự thụ phấn sẽ thất bại, bệnh thán thư phát triển nhiều, gió mạnh cũng làm hoa rụng nhiều.

– Nhiệt độ thích hợp cho xoài phát triển tốt là 24 – 27oC, trồng được nhiều trên các loại đất. Trong đó, đất pha cát là loại đất mà cây có thể phát triển tốt nhất. Độ pH khoảng 5.5 – 7.0.

Phương pháp ghép nhân giống:

Nhân giống bằng hạt (xoài Ba mùa mưa): do tính đa phôi nên có tỷ lệ bị lai giống nhất định, phần còn lại vẫn giữ được đặc tính của cây mẹ. Hạt xoài mau mất sức nảy mầm, nên gieo ngay, khi gieo nên bỏ bao hột cho mau nảy mầm. Khi cây ra lá và chuyển qua màu xanh thì tách cây con ra và đem vào bầu hay trồng thưa (30cm x 60cm) để ghép. Gốc ghép theo kiểu ghép mắt khoảng 1 – 1,5 năm tuổi, kiểu ghép khác gốc ghép khoảng 7 – 12 tháng tuổi.

Nhân giống bằng phương pháp ghép: xoài dễ ghép, các kiểu ghép áp giả, ghép mắt và ghép cành đều tốt. Ghép mắt có thể chọn kiểu cửa sổ, chữ U, chữ H. Cành lấy mắt ghép nên cắt lá trước một đến hai tuần để mắt u lên. Sau khi ghép xong khoảng 4 – 6 tháng hay khi cây con có từ 2 đến 3 cơi đọt thì đem trồng. Khi chọn giống không chọn các giống ra quả cách năm, chọn giống to quả, có phẩm chất thơm ngon, dễ xử lý ra hoa và ít bị sâu bệnh.

I. KỸ THUẬT TRỒNG

1./ Chuẩn bị đất

Khu vực đất trồng xoài phải được kiểm tra và xử lý phù hợp để tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của cây. Cần dọn toàn bộ cỏ, rác trên bề mặt, xới đất để tăng độ tơi xốp của đất, thực hiện các biện pháp cải tạo đất, cải thiện pH đất cho phù hợp, trồng thêm một số loại cây họ đậu để tăng độ đạm cho đất. Đào các hố trồng với kích thước 60x60x60 cm, bón vào từng hố 10 – 20kg phân chuồng + 0.5 – 1kg lân + 0.1kg kali + 0.5kg vôi bột và tưới một lượng nước vừa đủ sau đó lấp đất lại.

Ngoài ra, cần lưu ý rằng nếu trước đó, khu đất dùng để trồng các loại cây lâu năm khác thì nên để đất được nghỉ tối thiểu nửa năm rồi mới bắt đầu trồng xoài.

2./ Khoảng cách trồng:

Khoảng cách trồng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như đất đai, phương pháp nhân giống. Cây trồng bằng hạt nên trồng thưa hơn cây ghép vì tán cây to và tuổi thọ cao. Khoảng cách trồng ổn định biến động từ 7 – 10m trên đất thấp, trên đất cao là 9 – 12m cũng có thể trồng dày gấp đôi rồi tỉa dần đi hoặc 5 – 6 năm đầu xen canh chuối, chanh, đu đủ, thơm, và các loại rau.

3./ Thời vụ:

Nên trồng vào mùa mưa. Có thể trồng vào mùa khô nếu cung cấp đầy đủ nước cho cây. Thời vụ trồng thay đổi vào mỗi năm một ít để tránh rửa trôi, một số nơi bị ảnh hưởng lũ nên thường trồng khi nước rút.

a) Phương pháp xuống giống cây con:
        Các hạt xoài giống sẽ được trồng và chăm sóc trong những điều kiện lý tưởng, phù hợp với giai đoạn đầu phát triển của cây. Sau đó, khi cây đã đạt độ cao tiêu chuẩn thì mới đem trồng ở các vùng đất canh tác được chuẩn bị trước đó. 

b) Các bước thực hiện trồng:

+ Ở vị trí hố trồng xoài cần được chuẩn bị trước đó, đào hố có đường kính lớn hơn bầu ươm từ 10 – 15 cm

+ Cắt lớp nilong bọc ngoài bầu ươm, sử dụng dụng cụ phù hợp và thao tác nhẹ nhàng để tránh làm vỡ bầu hoặc đứt rễ

+ Đặt cây xoài non vào những vị trí được đào sẵn, giữ cổ rễ nằm ngang với bề mặt đất trồng

+ Vun đất vào xung quanh, dùng lực nén nhẹ để đảm bảo lượng đất được lấp vừa đủ, không làm cây bị đổ, cũng không làm hố đất bị nén quá chặt, làm nước khó lưu thông, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ của rễ

+ Vun thêm một lớp đất cao vào gốc để tránh tình trạng úng nước, tưới nước và thêm một số loại rơm rạ, cỏ, trấu phủ lên xung quanh để giữ độ ẩm cho cây vào mùa khô, cắm cọc cố định cây.

II. KỸ THUẬT CHĂM SÓC

1./ Tưới nước:

Khi cây còn non cần tưới nước để các cơi đọt non hình thành và phát triển, lượng nước tưới và nhịp độ tưới tuỳ thuộc vào đất, tuổi cây, sự bốc thoát hơi nước.

Khi cây vào thời kỳ khai thác cũng cần tưới nước. Để hạn chế bớt cỏ dại và ngăn cản quá trình bốc hơi nước ta nên dùng rơm rạ mục, cỏ khô tủ lại xung quanh gốc, tủ phần tán cây có bán kính 0,8 – 1m, và để trống phần diện tích cách gốc 20cm để hạn chế côn trùng, sâu bọ làm tổ, phá hoại gốc cây.

2./ Làm cỏ:

Bạn cần chú ý và loại bỏ các cây dại mọc xung quanh gốc để tránh tình trạng cạnh tranh dinh dưỡng, khiến cây xoài kém phát triển. Làm cỏ nên thường xuyên khi cây còn non, nhất là vào mùa mưa, không nên để cây dại mọc quá nhiều, quá rậm tạo điều kiện cho nấm bệnh tấn công.

3./ Cắt tỉa cành và tạo tán:

Việc quản lý vườn cây đòi hỏi phải cắt tỉa mỗi năm nhằm duy trì tán mở và quản lý kích thước cây để cho ánh sáng và không khí lọt vào, giúp giảm sâu bệnh và nâng cao màu sắc vỏ quả bên trong. Trong năm đầu, khi cây khoảng 1m thì bấm ngọn để kích thích cây ra cành ngang hoặc cành cấp 1. Bấm bỏ chổ lá mọc chặt, để các cành mọc ra không tụ lại một chỗ. Giữ 3 – 5 cành cấp 1 phân bố đều các hướng để cây chống gió tốt. Các năm sau cắt bỏ cành mọc trong tán, cành mọc dày, cành đan chéo, che rợp lẫn nhau, cành ốm yếu, sâu bệnh, cắt bỏ phát hoa đã ra trong mùa mưa trước nhưng không đậu quả.

Ở giai đoạn kinh doanh, sự tỉa cành được thực hiện ở giai đoạn sau thu hoạch, cắt tỉa những cành mọc xà sát đất, cành nằm khuất trong tán, cành bị sâu bệnh. Việc cắt tỉa nên được thực hiện 1 – 2 lần mỗi năm, tùy theo tình hình phát triển thực tế của cây trồng.

4./ Bón phân:

Lượng phân bón thay đổi theo đất tốt hay xấu. Tốt nhất nên bón nhiều lần và mỗi lần một ít để tránh rửa trôi và mất mát do bốc hơi.

Lượng phân bón được khuyến cáo cho xoài thời kì kiến thiết cơ bản là:

+ Năm 1: 100g NPK 20-20-15+TE x 4 lần + bón lót phân hữu cơ

+ Năm 2: 200g NPK 20-20-15+TE x 4 lần + 10kg phân hữu cơ hoai mục

+ Năm 3: 300g NPK 20-20-15+TE x 4 lần + 10 – 15kg phân hữu cơ hoai

Trên nền đất chua phèn bón từ 500 – 800 kg vôi/ha.

Giai đoạn kinh doanh: nên bón K bằng hoặc nhiều hơn N để cho quả ngọt, màu sắc đẹp và thịt quả chắc hơn, trong khi đó nhiều nhà vườn ít chú ý bón K cho xoài. Lượng phân bón tuỳ theo độ phì nhiêu của đất, theo tuổi cây, theo sản lượng quả, năm được mùa phải bón nhiều hơn năm mất mùa. Phân Lân bón một phần sau thu hoạch và một phần trước lúc xử lý ra hoa để giúp hoa ra tập trung và nhiều.

Giai đoạn nuôi trái được chia làm 4 giai đoạn bón phân:

+ Lần 1 (sau thu hoạch): bón NPK có tỷ lệ 30-10-10+TE hoặc 33-11-11+TE

+ Lần 2 (khi lá già): bón NPK có tỷ lệ (0-52-34) hoặc (15-30-15+TE)

+ Lần 3 (3 tuần sau đậu trái): bón NPK có tỷ lệ (6-30-30+TE)

+ Lần 4 (8 tuần sau đậu quả): bón NPK 3 số 16-16-16 hoặc 19-19-19

Phân hữu cơ chia làm 3 lần bón: sau thu hoạch, cây sắp ra hoa và 6 tuần sau đậu quả, nên bón theo rãnh luân phiên quanh tán và xa tán dần dần. Lượng phân bón nên tăng lên 2 – 3 kg/cây/năm. Đặc biệt, nên bổ sung nhiều kali để gia tăng khả năng đậu quả và nâng cao chất lượng trái.

5./ Kích thích ra hoa:

Để xử lý ra hoa trên xoài, có nhiều hoá chất được sử dụng mà dựa vào tác dụng của nó ta có thể chia làm hai nhóm chính: các chất có tác dụng phá miên trạng mầm hoa (bud break) và chất ức chế sinh trưởng (growth retardant). Các chất phá miên trạng thường thúc đẩy sự phân hoá mầm hoa đang trong thời kỳ miên trạng, tiêu biểu là Nitrate kali và Thiourea. Các chất ức chế quá trình tổng hợp GA, làm giảm sự sinh trưởng của cây, qua đó thúc đẩy phát hoa phát triển. Tiêu biểu trong nhóm này là Chlormequat và Paclobutrazol. Hiện nay, người ta đã bắt đầu nghiên cứu một loại hoạt chất thay thế Paclobutrazol, có tác dụng tương tự như Pacloputrazol là Uniconazole và bước đầu đã có hiệu quả trên giống xoài Đài Loan.

Kali nitrat: để xoài ra hoa tập trung và tránh bớt hiện tượng ra quả cách năm, người ta đã xử lý như sau: hoà 80 – 320g chất KNO3 (nitrat kali) vào bình 8 lít, tức nồng độ từ 1 đến 4% tuỳ giống, khuấy đều rồi phun ướt đẫm các lá, đọt xoài, chú trọng các đọt có lá xanh đậm, mầm ngủ phồng. Khi xử lý ra hoa cần quan tâm đến sức sống của cây và thời tiết. Mưa nhiều vào lúc ra hoa sẽ làm hoa rụng, nấm bệnh phát triển nhiều. Tuỳ vào thời tiết mà canh thời vụ xử lý.

Paclobutrazol: tưới vào ngay gốc xoài, đối với giống khó ra hoa có thể nâng nồng độ thuốc lên 1 – 2g/m đường kính tán cây. Pha hoá chất với 20 – 25 lít nước, tưới đều xung quanh gốc cây để hoá chất thấm vào đất. Để thuốc có tác dụng tốt nhà vườn phải:

– Làm cây mạnh bằng cách ngay sau khi thu hoạch tỉa bỏ các cành bệnh, tạo tán cây thoáng để giảm bớt sâu hại. Đồng thời bón phân để giúp cây ra lá, lúc này cần phun chống sâu đục ngọn, ăn lá và bệnh thán thư.

– Khi cây đã ra cơi đọt và lá ở giai đoạn sắp trưởng thành thì đổ thuốc Paclobutrazol quanh gốc, đất cần ẩm, nếu khô phải tưới ẩm trước để qua đêm, hôm sau mới tưới Paclobutrazol.

– Sau khi xử lý Paclobutrazol khoảng 30 ngày nên phun phân bón lá giàu lân.

– Xiết nước gây stress trên cây xoài để tạo thuận lợi cho quá trình kích thích cây ra hoa.

III. THU HOẠCH

Khi quả già, vỏ quả hồng sáng, độ chín đặc trưng của giống thì tiến hành thu hoạch. Nên thu hái vào lúc trời râm mát, khô ráo. Nếu vận chuyển đi xa thì đóng vào sọt hoặc thùng không quá 5 lớp (đóng sọt phải có lót rơm hoặc giấy giữa các lớp quả). Sau khi thu hoạch vệ sinh xung quanh tán cây, cắt tỉa cành già, cành sâu bệnh và tiếp tục chăm sóc.

Sau khi thu hoạch vệ sinh xung quanh tán cây, cắt tỉa cành già, cành sâu bệnh và tiếp tục chăm sóc.

IV. MỘT SỐ SÂU BỆNH HẠI CHÍNH TRÊN XOÀI

1./ Một số sâu hại phổ biến:

a) Rầy bông xoài (Idiocerus niveosparsus Lethierry): 

  • Triệu chứng gây hại: Rầy chích hút gây hại trên đọt non, phát hoa và trái non, sau đó đẻ trứng lên phát hoa. Rầy trưởng thành đục lỗ nhỏ từ cuống phát hoa đang phát triển chui ra chích hút làm trái non bị vàng và sau đó rụng.
  • Biện pháp phòng trị: Sau thu hoạch tiến hành tỉa cắt cành, tạo thông thoáng để hạn chế sự phát triển của rầy. Dùng các loại thuốc có hoạt chất để phun khi cần thiết như: Methidathion, Abamectin,…

b) Sâu đục thân, đục cành (Plocaederus ruficoruis):

  • Triệu chứng gây hại: Sâu sẽ đào các lỗ xuyên qua lớp vỏ cứng của thân cây để tiếp cận các mô mỏng bên dưới vỏ cây. Đây là nguồn thức ăn chính của sâu đục thân xoài. Rất khó phát hiện sâu đục thân, cành xoài do trong quá trình gây hại bên trong thân cây, sâu đục cành không thải phân ra ngoài, thường chỉ phát hiện thấy qua các lỗ đục trên thân cành làm thân cành héo khô và có thể chết. Trong quá trình gây hại, sâu đục cành thường tạo ra những đường bên trong thân và cành cây.
  • Biện pháp phòng trị: Hạn chế tối đa các vết thương cơ học trên vỏ (cắt, chặt, gọt… làm cản trở sự phát triển, đẩy nhanh nở hoa). Vì như vậy sẽ tạo điều kiện cho xén tóc đẻ trứng. Sử dụng bẫy ánh sáng vì xén tóc chỉ xuất hiện trong thời kỳ sinh sản và vào ban đêm. Khi phát hiện thấy vết đục lỗ, người làm vườn nên lập tức cắt lỗ bằng dụng cụ sắc, nhọn, nhỏ gọn (dao, tuốc nơ vít,…). Nhét bông gòn đã tẩm thuốc sâu vào hố và bịt kín thân cây từ chảng trở xuống (hoặc cách mặt đất 3 mét); lỗ phải được che phủ dày. Kết hợp thuốc trừ sâu dạng xông hơi, tưới ướt đều vỏ cây từ mặt đất đến độ cao 2 – 3 mét (tùy theo tuổi cây, chiều cao cây).

c) Ruồi đục quả (Bactrocera dorsalis (Hendel)):

  • Triệu chứng gây hại: Vỏ quả thường bị ruồi đục có màu đen, mềm, ứa nhựa hấp dẫn côn trùng đẻ trứng, nấm bệnh đến gây hại khiến trái bị biến màu, thối. Những quả đó có thể rụng trước khi chín hoặc tiếp tục neo trên cây. Nếu còn trên cây, giá trị thương phẩm cũng giảm do thịt quả bị thối bên trong. Ruồi dùng ống đẻ trứng chích sâu vào trong thịt quả, đẻ trứng thành từng ổ ở những quả chín và bắt đầu chín. Sâu non nở ra phá hoại phần thịt quả, làm quả bị thối, úng và rụng.
  • Biện pháp phòng trị: Thu hoạch sớm khi trái vừa chín để tránh ruồi gây hại và lây nhiễm. Không trồng xen ổi, đu đủ, cam quýt, nhãn, … trong vườn xoài. Khi xoài to nên bao trái, ngoài việc ngừa ruồi đục trái, bao trái còn giúp phòng bệnh thán thư, thối đích trái, sâu đục hột… Tuy bao trái tốn công sức, thời gian, nhưng tiết kiệm chi phí và làm vỏ trái có màu đẹp, hấp dẫn hơn. Ruồi đục vào quả lúc vỏ quả già, đẻ trứng dưới lớp vỏ, sâu non ăn thịt quả gây thối, rụng quả. Có thể dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất sau: Abamectin, Thiamethoxam, Profenofos, Phoxim, Beta- cypermethrin,… để phun

2./ Một số bệnh hại phổ biến:

a) Bệnh thán thư (Do nấm Colletotrichum gloeosporioides gây ra)

   

  • Triệu chứng gây hại: Bệnh gây hại trên cành non, lá, hoa và trái. Trên lá đốm bệnh có màu xám nâu, tròn hay góc cạnh, liên kết lại làm rách và rụng lá. Trên bông vết bệnh có những đốm màu nâu đen, làm hư và rụng bông. Trên trái bệnh làm cho trái bị thối đen.
  • Biện pháp phòng trị: Thu gom và tiêu hủy những bộ phận bị bệnh để tránh lây lan; bón phân cân đối, nhất là tránh bón thừa đạm, tỉa cành, tạo tán để tạo thông thoáng vườn cây, giảm ẩm độ trong vườn. Vào giai đoạn mang trái, nên sử dụng bao để bao trái (phun thuốc ngừa bệnh 1 lần trước khi bao). Dùng thuốc trừ sâu có hoạt chất như: Propineb, Mancozeb, Azoxystrobin, Hexaconzole, Metalaxyl,… để phun.

b) Bệnh phấn trắng (Do nấm Oidium gây ra).

  • Triệu chứng gây hại: Nấm bệnh đóng thành lớp phấn trắng và thường bắt đầu từ ngọn của phát hoa rồi lan dần đến cuống hoa, lá non và cành. Trái bệnh bị biến dạng và rụng.
  • Biện pháp phòng trị: Chọn các giống ít nhiễm bệnh để trồng. Vệ sinh vườn xoài (thu gom các bộ phận bị rụng lại rồi đốt, hoặc rải vôi rồi chôn lấp). Bón phân cân đối, hợp lý, chú ý tăng cường lượng phân Kali. Bón thêm lượng Canxi để giúp cải tạo đất. Thăm vườn thường xuyên trong giai đoạn ra bông và trái non để từ đó tiến hành phòng trị thích hợp, kịp thời. Có thể dùng thuốc trừ bệnh có hoạt chất như: Hexaconzole, Mancozeb,… để phun.

c) Bệnh muội đen (bồ hóng): Do nấm Capnodium mangifera gây ra.

  • Triệu chứng gây hại: Nấm tạo thành những mảng bồ hóng đen trên lá và trái. Nấm không gây hại trực tiếp vì không hút dinh dưỡng của cây nhưng làm giảm quang hợp của lá. Bệnh phát triển theo chất thải của rầy rệp.
  • Biện pháp phòng trị: Chủ yếu là trừ rầy và rệp. Tiến hành cắt bỏ các cành lá có nhiều rầy, rệp và bị nặng. Tỉa cành tạo tán để tạo độ thông thoáng, hạn chế vườn quá rộng rạp. Cơ bản không cần phun các loại thuốc trừ nấm. Có thể phun các loại thuốc trừ nấm có gốc đồng, hoặc hoạt chất Mancozeb,…

d) Bệnh xì mủ: (Do nấm Xanthomonas campestris Mangiferae gây ra)

 

  • Triệu chứng gây hại: Vết bệnh trên lá màu xám đen bao quanh bởi các quầng vàng, bị giới hạn bởi gân lá, tâm vết bệnh thường bị khô. Bề mặt vết bệnh hơi bị trũng xuống so với các phần chưa bệnh. Hiện tượng xì mủ không xuất hiện trên lá. Vết bệnh trên trái có màu đen đậm hơn trên lá, gồ ghề, làm nứt nẻ vỏ trái, từ vết nứt thì mủ xì ra mang theo vi khuẩn tràn ra ngoài và làm lây lan cho các bộ phận phía dưới của cây như trái, cành, lá. Vết bệnh trên cành non có màu đen, gây xì mủ. Bệnh thường làm các phát hoa, trái, đọt non ở đầu cành bị héo và có thể làm chết cành.
  • Biện pháp phòng trị: Vi khuẩn lưu tồn lâu trong lá, cành bệnh, xác bả thực vật, nên sau khi thu hoạch cần thu dọn sạch vườn, cắt bỏ những cành và lá bệnh, rồi đem tiêu huỷ. Vi khuẩn thường tấn công qua vết thương nên tránh làm tổn thương cây, phun thuốc sau khi cắt tỉa, thu trái và nhất là sau các trận mưa. Sử dụng thuốc có hoạt chất Kasugamycin, Oxolinic acid, Streptomycin sulfate,… khi bệnh xảy ra. Đối với những giống xoài có giá trị kinh tế cao như xoài Cát Chu, xoài cát Hoà Lộc thì nên dùng biện pháp bao trái giúp phòng bệnh này hiệu quả.

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *